Bài Giáo Lý 20 về Kinh Tin Kính của ĐTC Phanxicô

Hiệp Thông trong Những Sự Thánh

 

 

“Sống trong sự hiệp nhất trong Hội Thánh và sự hiệp thông của đức ái có nghĩa là không tìm kiếm lợi ích riêng cho mình, nhưng chia sẻ những đau khổ và niềm vui của người khác.… Thực ra, nếu không có tình yêu, thì thậm chí những hồng ân phi thường nhất cũng vô ích.

Dưới đây là bản dịch bài Giáo Lý ĐTC Phanxicô ban hành ngày 6 tháng 11 năm 2013 trong buổi Triều Yết Chung được tổ chức tại Quảng Trường Thánh Phêrô. Hôm nay ngài tiếp tục chu kỳ Giáo Lý về kinh Tin Kính và nói về việc Hiệp Thông trong Những Sự Thánh

November 14, 2013 by

 

Anh chị em thân mến, chào anh chị em!

Thứ tư tuần trước tôi đã nói về (mầu nhiệm) các thánh cùng thông công, như sự hiệp thông giữa những người thánh, nghĩa là giữa chúng ta là các tín hữu. Hôm nay tôi muốn đào sâu một bình diện khác của thực tại này: Anh chị em nhớ rằng có hai bình diện: một là sự hiệp thông hay sự hiệp nhất giữa chúng ta và hai là sự hiệp thông trong những sự thánh, những của cải thiêng liêng. Hai bình diện này liên hệ chặt chẽ với nhau; thực ra, sự hiệp thông giữa các Kitô hữu phát triển qua việc tham gia vào những của cải thiêng liêng. Đặc biệt, chúng ta kể đến: các Bí Tích, các đặc sủngđức ái. (x. Sách Giáo Lý của Hội Thánh Công Giáo, số 949-953). Chúng ta lớn lên trong sự hiệp nhất, trong sự hiệp thông trong: các Bí Tích, các đặc sủng mà Chúa Thánh Thần ban cho mỗi người, và với đức ái.

Thứ nhất là sự hiệp thông trong các Bí Tích. Các Bí Tích diễn tả, làm cho có hiệu quả và đào sâu sự hiệp thông giữa chúng ta, bởi vì trong đó chúng ta gặp gỡ Đức Kitô, Đấng Cứu Thế, và qua Người, chúng ta gặp gỡ anh chị em mình trong đức tin. Các Bí Tích không phải là những vẻ bề ngoài, không phải là các nghi thức, nhưng là sức mạnh của Đức Kitô; chính Chúa Giêsu hiện diện trong các Bí Tích. Khi chúng ta cử hành Thánh Lễ thì chính Chúa Giêsu hằng sống, là Đấng kết hợp chúng ta với nhau, biến chúng ta thành một cộng đồng, làm cho chúng ta thờ phượng Chúa Cha. Thực ra, mỗi người chúng ta, qua Bí Tích Rửa Tội, Thêm Sức và Thánh Thể, được kết hợp với Đức Kitô và hiệp nhất với toàn thể cộng đồng tín hữu. Vì vậy, trong khi Hội Thánh “làm ra” các Bí Tích, thì trái lại chính các Bí Tích cũng “làm ra” Hội Thánh, xây dựng Hội Thánh bằng cách tác sinh ra những con cái mới, tập hợp họ thành dân thánh của Thiên Chúa bằng cách củng cố việc thuộc về dân này của họ.

Mỗi cuộc gặp gỡ với Đức Kitô, Đấng ban cho chúng ta ơn cứu độ trong các Bí Tích, mời gọi chúng ta “đi” và thông truyền cho những người khác một ơn cứu độ mà chúng ta có thể nhìn thấy, chạm đến, gặp được, đón nhận, và đó chính là điều đáng tin cậy bởi vì là tình yêu. Bằng cách này, các Bí Tích thúc đẩy chúng ta trở thành những nhà truyền giáo, và quyết tâm dấn thân làm việc tông đồ để mang Tin Mừng vào mọi môi trường, ngay cả những môi trường thù nghịch nhất, tạo thành hoa quả đích thực hơn của một đời sống Bí Tích siêng năng, như sự tham gia vào sáng kiến cứu độ của Thiên Chúa, Đấng muốn ban ơn cứu độ cho tất cả mọi người. Ân sủng của Bí Tích nuôi dưỡng trong chúng ta một đức tin mạnh mẽ và vui tươi, một đức tin biết kinh ngạc trước “những kỳ công” của Thiên Chúa và chống lại các ngẫu tượng của thế gian. Vì lý do này, điều quan trọng là tạo ra sự hiệp thông, điều quan trọng là trẻ em được rửa tội ngay, được thêm Sức, vì các Bí Tích là sự hiện diện của Đức Chúa Giêsu Kitô trong chúng ta, một sự hiện diện giúp đỡ chúng ta. Điều quan trọng là chúng ta đến với Bí Tích Hòa Giải khi chúng ta cảm thấy mình là người tội lỗi. Một số người có thể nói, “Nhưng tôi sợ, bởi vì linh mục sẽ (đánh) phạt tôi.” Không, linh mục sẽ không (đánh) phạt anh chị em; anh chị em có biết rằng người mà anh chị em sẽ gặp trong Bí Tích Hòa Giải là ai không? Anh chị em sẽ gặp Chúa Giêsu, Đấng tha tội cho anh chị em! Chính Chúa Giêsu đang chờ đợi anh chị em ở đó; và đó là một Bí Tích làm cho toàn thể Hội Thánh phát triển.

Một bình diện thứ nhì của sự hiệp thông trong những sự thánh là sự hiệp thông các đặc sủng. Chúa Thánh Thần Các ban phát cho các tín hữu vô số quà thiêng liêng và ân sủng; sự phong phú có thể nói là “lạ thường” này của những hồng ân của Chúa Thánh Thần nhằm xây dựng Hội Thánh. Các đặc sủng – một từ hơi khó hiểu – là những hồng ân mà Chúa Thánh Thần ban cho chúng ta, những khả năng, những kỹ năng… Những hồng ân được ban cho không phải để dấu đi, nhưng để chia sẻ với những người khác. Chúng không được ban cho vì lợi ích của những người nhận được chúng, nhưng vì lợi ích của dân Chúa. Tuy nhiên, nếu một đặc sủng, một trong những hồng ân này, được dùng để khẳng định chính mình, thì chúng ta phải nghi ngờ rằng đó có phải là một đặc sủng đích thực hay không hoặc đặc sủng ấy có được sống một cách trung thành hay không. Các đặc sủng là những ân sủng đặc biệt, được ban cho một số người để làm ích cho nhiều người khác. Chúng là những thái độ, những cảm hứng và những thúc đẩy bên trong, phát sinh trong lương tri và kinh nghiệm của những người nhất định, là những người được mời gọi để đem chúng ra phục vụ cộng đồng. Đặc biệt, những hồng ân thiêng liêng này có lợi cho sự thánh thiện và sứ vụ của Hội Thánh. Tất cả chúng ta đều được mời gọi tôn trọng các đặc sủng này nơi chúng ta và nơi những người khác, đón nhận chúng như những khích lệ hữu ích cho sự hiện diện và công việc có hiệu quả của Hội Thánh. Thánh Phaolô đã cảnh báo: “Đừng dập tắt Thần Khí” (1 Thess 5:19). Đừng dập tắt Chùa Thánh Thần là Đấng ban cho chúng ta những hồng ân này, những khả năng này, những nhân đức này, là những điều quá đẹp để tạo thành Hội Thánh.

Chúng ta có thái độ gì đối với những hồng ân này của Chúa Thánh Thần? Chúng ta có biết rằng Thánh Thần của Thiên Chúa tự do ban những hồng ân này cho bất cứ ai mà Ngài muốn không? Chúng ta có coi chúng như một sự trợ giúp thiêng liêng mà qua đó Chúa nâng đỡ đức tin của chúng ta và củng cố sứ vụ của chúng ta trên thế gian không?

Và giờ đây chúng ta đến bình diện thứ ba của sự hiệp thông trong những sự thánh, là sự hiệp thông của đức ái, sự hiệp nhất giữa chúng ta là đức ái, là tình yêu. Khi quan sát các Kitô hữu tiên khởi, những người dân ngoại đã nói rằng: họ yêu thương nhau như thế nào, họ yêu thương nhau biết bao! Họ không ghét nhau, họ không nói những lời chống đối nhau. Đây là đức ái, là tình yêu của Thiên Chúa mà Chúa Thánh Thần đặt vào tâm hồn chúng ta. Các đặc sủng rất quan trọng trong đời sống của cộng đồng Kitô hữu, nhưng chúng luôn luôn là những phương tiện để phát triển trong đức ái, trong tình yêu, mà Thánh Phaolô đặt trên các đặc sủng (x. 1 Cor 13:1-13). Thực ra, nếu không có tình yêu, thì thậm chí những hồng ân phi thường nhất cũng vô ích; và người này chữa lành dân chúng, có đặc tính này, có nhân đức khác… nhưng có tình yêu và bác ái trong tâm hồn không? Nếu có thì tốt, nhưng nếu không có thì không phục vụ Hội Thánh. Nếu không có tình yêu thì tất cả những hồng ân và đặc sủng này không phục vụ Hội Thánh, bởi vì ở đâu không có tình yêu thì có một khoảng trống được lấp đầy bởi sự ích kỷ. Và tôi tự hỏi: nếu tất cả chúng ta đều ích kỷ, chúng ta có thể sống trong sự hiệp thông và an bình được không? Chúng ta không thể, vì để sống trong sự hiệp thông và an bình anh chị em cần tình yêu là điều kếp hợp chúng ta. Cử chỉ nhỏ nhất của tình yêu của chúng ta có những hiệu quả tốt cho mọi người! Cho nên, sống trong sự hiệp nhất trong Hội Thánh và sự hiệp thông của đức ái có nghĩa là không tìm kiếm lợi ích riêng cho mình, nhưng chia sẻ những đau khổ và niềm vui của người khác (x. 1 Cor 12:26), sẵn sàng vác những gánh nặng của những người yếu đuối và nghèo khổ hơn. Tình đoàn kết huynh đệ này không phải là một hình thái tu từ, một cách nói, nhưng là một phần không thể thiếu được của sự hiệp thông giữa các Kitô hữu. Nếu chúng ta sống nó, thì chúng ta là dấu chỉ của nó trong thế gian, là “Bí Tích” tình yêu của Thiên Chúa. Chúng ta là “bí tích” cho nhau và cho tất cả mọi người! Đó không chỉ là việc bác ái nho nhỏ mà chúng ta làm cho nhau, nhưng là một điều gì sâu xa hơn: một sự hiệp thông làm cho chúng ta có thể tham gia vào niềm vui và sự đau khổ của người khác để biến chúng thật sự thành của chúng ta.

Chúng ta thường quá khô khan, thờ ơ và xa cách, thay vì thông truyền tình huynh đệ, chúng ta lại thông truyền sự khó chịu, lạnh lùng và ích kỷ. Với sự khó chịu, lạnh lùng và ích kỷ, anh chị em không thể làm cho Hội Thánh phát triển; Hội Thánh chỉ phát triển với tình yêu phát sinh từ Chúa Thánh Thần. Chúa mời gọi chúng ta mở lòng ra để hiệp thông với Người, trong các Bí Tích, trong các đặc sủng và trong đức ái, để sống xứng đáng ơn gọi Kitô hữu của mình!

Và giờ đây tôi xin phép yêu cầu anh chị em làm một cử chỉ bác ái: cứ yên tâm tôi không quyên tiền anh chị em đâu! Trước khi đến quảng trường này tôi đã đi thăm một em bé một tuổi rưỡi đang mắc bệnh rất nặng. Cha mẹ em cầu nguyện và xin Chúa ban sức khỏe của em bé xinh đẹp này. Tên em là Naomi. Em bé đáng thương đã mỉm cười! Chúng ta hãy làm một cử chỉ bác ái. Chúng ta không biết em, nhưng em là một em bé đã được rửa tội, là một người trong chúng ta, một Kitô hữu. Chúng ta hãy làm một cử chỉ bác ái cho em và âm thầm cầu xin Chúa giúp đỡ em trong lúc này và ban sức khỏe cho em. Chúng ta hãy im lặng một giây lát, rồi sau đó đọc Kinh Kính Mừng. Giờ đây tất cả chúng ta hãy cùng nhau cầu nguyện với Đức Mẹ cho sức khỏe của Naomi. Kính mừng Maria… Cảm ơn anh chị em về cử chỉ bác ái này.

Phaolô Phạm Xuân Khôi chuyển ngữ

ngữ